Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

VÀNG NỮ TRANG TRƯỚC NỖI LO HỘI NHẬP WTO - Phần 3


Chất lượng vàng kém, vàng không đúng tuổi và mẫu nữ trang kém đa dạng khiến các chuyên gia đánh giá thị trường nữ trang của Việt Nam sẽ gặp khó khi WTO thực sự hội nhập. Khắc phục việc này không chỉ riêng của một doanh nghiệp mà còn của Bộ khoa học công nghệ, Ngân hàng nhà nước và cả ngành kim hoàn. 

PHẦN 3: THỰC TẾ THỊ TRƯỜNG VÀNG – AI CHỊU THIỆT?

Tiếp nối phần 2, chúng tôi chia sẻ nỗi lo vàng nữ trang thiếu tuổi. Để giải quyết vấn đề ấy, chúng tôi có cuộc khảo sát: Làm sao bảo vệ quyền lợi người mua vàng? Những tín hiệu đưa ra từ các doanh nghiệp nữ trang cho thấy nỗi lo hơn về ngành nữ trangnghề kim hoàn Việt Nam khi gia nhập WTO.

Người mua đang chịu thiệt

Trước tình trạng vàng kém tuổi, vàng kém chất lượng, chúng tôi đã có cuộc khảo sát từ những người kinh doanh vàng về vấn đề phát triển bền vững vàng nữ trang khi hội nhập WTO.  

Khó khăn lắm, chúng tôi mới có thể nói chuyện được với chị L. H, nhân viên tiệm vàng trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, Quận 12. Khi cam đoan mình là người của một công ty vàng, chỉ tìm hiểu và viết bài hỗ trợ cho doanh nghiệp để tìm giải pháp cho thị trường vàng. Lúc ấy, chị L.H mới xuôi lòng và nói:

 “Lâu nay, dân ta hay có xu hướng mua vàng nữ trang để tích trữ. Với thị trường vàng có nhiều biến động nhưng xu thế sẽ luôn tăng giá.

Việc làm vàng thiếu tuổi cũng có. Nhưng bọn mình là nhân viên, chỉ biết bán thôi. Cách bảo vệ người mua là tư vấn cho khách hàng kĩ lưỡng để họ chọn mua được món đồ vàng nữ trang như ý với giá hợp lý nhất. Nếu không biết và chọn phải hàng kém chất lượng thì người mua thường phải chịu thiệt.”

Còn ở Quận Bình Thạnh, khi chúng tôi hỏi vấn đề này, ông H, một chủ tiệm vàng gần Hàng Xanh chia sẻ. “Khi mua hàng, khách được tư vấn kỹ về tuổi vàng, chất lượng vàng nữ trang, nhẫn bạc… Công ty chỉ đảm bảo cho những sản phẩm mua tại cửa hàng. Còn vàng nữ trang từ nơi khác, chúng tôi phải đo kỹ. Vì mỗi nơi cũng làm và đánh giá một kiểu.”

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng - giám đốc kinh doanh Công ty PNJ thì: “Thị trường vàng nữ trang vẫn theo quy luật mua đâu bán đó. Nhưng thực tế dù mua đâu bán đó, có đầy đủ hóa đơn, người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt cả hai đầu mua bán. Lý do khi mua người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền cao hơn giá trị món hàng. Đến khi bán, các tiệm vàng cũng không rõ ràng cách tính giá trị món hàng, phần lớn chỉ cầm món hàng lên thử, cân, sau đó phán giá. Nếu đồng ý thì bán.” (Theo bài “Phập phù chất lượng vàng nữ trang”Báo Tuổi trẻ đăng ngày 23/03/2013)

Như vậy, tuy đều nói giúp đỡ khách hàng, nhưng những người trong ngành vàng đều trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận người mua đang chịu thiệt. Vì chính trong hệ thống ngành vàng cũng không có tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp vàng không tin sản phẩm của nhau nên khi mua lại thường kiểm tra rất kỹ và chuyển gánh nặng, phần thua thiệt về phía người dân.

Thực tế, doanh nghiệp vàng đang thiệt hại nặng

Theo Chú Sơn, chủ tiệm gia công kim hoàn tại quận 12 và là người có thâm niên gần 20 năm trên thị trường vàng thì có cách nhìn khác. Chú cho rằng việc làm vàng thiếu tuổi, vàng kém chất lượng thì người thiệt thòi nhất là xưởng kim hoàn và doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc nữ trang.

“Thực tế thị trường hiện nay cho thấy, người mua vàng đang mất tiền vì vàng thiếu tuổi, vàng kém chất lượng. Có người mua vàng, khi bán thấy nhẫn vàng, lắc bạc của mình thiếu tuổi, mất giá hẳn so với lần trước mua mà hụt hẫng, không biết tin vào đâu.

Nhưng các bạn nhìn kỹ, vượt tầm lên khoảng 5 – 10 năm nữa, mà thậm chí 2 – 3 năm nữa thôi thì doanh nghiệp vàng,  kim hoàn sẽ thấy mình bị thất thiệt nặng.

Cứ giữ cách làm này, người dân sẽ hoang mang rồi không tin vào chất lượng của các sản phẩm nữ trang nữa. Họ dành tiền đầu tư sang lĩnh vực khác. Và vì thế, ngành nữ trang vàng bạc sẽ bị giảm doanh thu ngay.

Nếu có mua thì khách hàng có quyền lựa chọn. Với quyền lực trong tay là đồng tiền, họ sẽ chuyển sang mua hàng của công ty nước ngoài. Do đó, dòng tiền trong dân sẽ chảy về các doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải chảy về túi doanh nghiệp vàng bạc nữ trang Việt Nam nữa. Các doanh nghiệp vàng bạc càng làm gian dối, họ càng đẩy khách hàng ra xa mình mà thôi.”

Lộ trình vào WTO quy định đến năm 2015, Việt Nam phải mở cửa hẳn cho các doanh nghiệp vàng bạc nước ngoài vào thị trường. Khi đó, việc kinh doanh vàng nữ trang sẽ là cạnh tranh và sòng phẳng.

Khi không còn sự nâng đỡ, bao bọc, doanh nghiệp vàng bạc trong nước phải đương đầu với sự cạnh tranh dữ dội của các doanh nghiệp nước ngoài. Và ở ngay sân chơi trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt đã tỏ ra lép vế. Vì vàng nữ trang nước ngoài có mẫu mã phong phú, đa dạng và giá cả có thể thấp hơn trong nước. Cộng thêm với việc làm gian dối về chất lượng và tuổi vàng, nhiều doanh nghiệp sẽ có nguy cơ chết yểu nhanh chóng.

Trước những thông tin này, các doanh nghiệp vàng bạc, kim hoàn trong nước có động thái gì để giải quyết hay cứ tiếp tục để mất lòng tin ở người dân và để chạy qua doanh nghiệp nước ngoài?  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét