Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Lễ hội Giỗ Tổ Nghề Kim Hoàn tại Hội quán Lệ Châu, Thành Phố Hồ Chí Minh



Cứ vào khoảng ngày 07/2 Âm lịch hàng năm, Chùa Lệ Châu lại từng bừng tổ chức Lễ Hội tưởng nhớ tổ Nghề Kim Hoàn cho hàng ngàn lượt người từ các địa phương, công ty sản xuất,  kinh doanh vàng bạc tham dự.  Hội quán (chùa) Lệ Châu vốn thuộc vùng Chợ Lớn, nay ngự trị tại số 586 Trần Hưng Đạo B, quận 5, TP Hồ Chí Minh.



Mốc son được ghi nhận vào đời vua Minh Mạng thứ 10, cụ Cao Đình Độ được nhà vua sắc phong làm Tổ nghề Kim Hoàn (nghề bạc). Tiếp đó, cụ Cao Đình Hương cũng được vua Thiệu trị thứ 08 sắc phong làm tổ nghề. Hai cụ được thờ phụng tại ngôi chùa thiêng Lệ Châu vùng Chợ Lớn để nhân dân, con cháu đồng môn tưởng nhớ thờ phụng. Sau này, chùa được nâng lên thành Hội quán để các con nghề kim hoàn, buôn bán, kinh doanh vàng bạc quy tụ về hành lễ tưởng nhớ. 

Ngày xưa, Hội Quán Lệ Châu là nơi hội họp quan trọng của những người thợ bạc vùng đất lục tỉnh (6 tỉnh Nam Bộ). Ngày nay, Lệ Châu hội quán đã trở thành nơi để thợ kim hoàn thể hiện lòng biết ơn đối với tổ nghề, là một trong những trung tâm tưởng nhớ kim hoàn tổ lớn nhất cả nước. Chính nơi đây họ còn tìm thấy một sức mạnh tinh thần để có thêm niềm tin đối với bản thân cũng như nghề nghiệp.

Ngày lễ hội chính thức vào ngày 07/2 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên do có rất nhiều đoàn nghề, công ty bạc hành lễ nên tổ chức long trọng hơn thành 03 ngày (05, 06, 07 tháng 2) mới đáp ứng từ các nơi đổ về hành lễ. Trong những ngày diễn ra lễ hội, Lệ Châu hội quán được trang hoàng rực rỡ, nến và hương được thắp từ trong đến ngoài, tạo cho ngày giỗ hết sức trang nghiêm. Hội quán tiếp đón hàng ngàn lượt người tham dự.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, Lệ Châu hội quán được trang hoàng rực rỡ, nến và hương được thắp từ trong đến ngoài, tạo cho ngày giỗ hết sức trang nghiêm.

Mở màn giỗ tổ là nghi thức cúng cầu quốc thái dân an, tuyên đọc sắc phong tổ sư thợ bạc Việt Nam của các vị vua Triều Nguyễn cho người tham dự và người trong nghề hiểu biết xuất xứ của tổ nghề. Lễ hội chính thức chia thành 03 “Viên” (Viên là cách gọi về mỗi phần lễ) theo nghi thức lễ giỗ truyền thống. Khi hành lễ, con cháu nghề Bạc tiến hành theo nghi thức truyền thống, dâng phẩm vật như trà, bánh, trái cây, heo quay… Những thành viên ban quản trị đền thờ trong bộ lễ phục áo dài khăn đóng, đứng trước Bài Vị tổ sư vái lạy. Các trưởng đoàn cũng mặc xiêm y truyền thống và chỉnh tề tế lạy với tấm lòng thành kính, biết ơn người đã có công truyền dạy nghề cho con cháu, giúp ích cho xã hội và mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình họ.

Sau khi hành lễ chia lộc cháu con và tổ chức liên hoan ngay tại sân hành lễ.

Lễ hội không chỉ là dịp tưởng nhớ các vị tổ sư ngành nghề mà còn truyền sức mạnh nghề nghiệp, thực hiện truyền thống “ôn cố tri tân” của người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét